Trong buổi biểu diễn đầu tiên, sau khi Phi Nhung ra đi, khán giả lặng người chứng kiến Mạnh Quỳnh không kiềm chế được nước mắt ngay trên sân khấu. Gần một tháng sau, anh giãi bày: “Tôi cũng không hiểu sao có lúc lại mềm yếu như thế. Có lẽ sự ra đi của Phi Nhung khiến tôi không kiểm soát được cảm xúc của mình”. Mạnh Quỳnh thừa nhận, cái chết của Phi Nhung là cú sốc quá lớn với anh.
Tôi vẫn tiếp tục phải sống những tháng năm còn lại. Nỗi buồn cũng sẽ phôi phai nhưng kỷ niệm những ngày đi hát với Nhung mãi còn”, anh trải lòng. Sau khi Phi Nhung ra đi, khán giả lại càng hoài nghi tình riêng giữa hai giọng ca nổi tiếng. Mạnh Quỳnh cười buồn: “Ngoài tình đồng nghiệp thì chúng tôi còn là tri kỉ, tri âm. Còn tình cảm riêng tư ư? Lúc trẻ đã không có gì. Bây giờ tuổi xế chiều rồi, chuyện ấy càng không thể xảy ra. Nhưng chính vì chúng tôi coi nhau như tri âm, tri kỉ nên mối quan hệ mới kéo dài mấy chục năm…”.
Mạnh Quỳnh gặp Phi Nhung khi giọng ca “Bông điên điển” còn rất trẻ, mới ngoài hai mươi tuổi: “Ấn tượng đầu tiên của tôi về Nhung là một cô gái có nét lai lại hát nhạc quê hương rất hay. Điều này khiến tôi thấy lạ. Hai đứa lại cùng trang lứa, nên càng dễ nói chuyện”. Anh tiết lộ: “Phi Nhung đi hát trước Mạnh Quỳnh khoảng đôi năm nên ra dáng đàn chị lắm. Nhung hay nói với tôi: Ông phải hát như vầy nè…”.
Trước câu hỏi của nhiều khán giả: Mạnh Quỳnh đã tìm “người tình” trên sân khấu thay thế Phi Nhung chưa? Giọng ca bolero nổi tiếng đáp: “Hiện tại, tôi không nghĩ tới tìm bạn diễn. Mà, xưa nay Quỳnh đều không chủ trương tìm kiếm bạn diễn. Cái gì đến sẽ đến, tôi luôn đặt nghệ thuật lên trên hết. Ngay cả Phi Nhung khi còn sống cũng không hẹp hòi chuyện tôi hát với ai, diễn với ai”.
Mạnh Quỳnh- Phi Nhung, cặp đôi hoàn hảo của dòng nhạc quê hương |
Mạnh Quỳnh tự tin: Anh hát với nữ ca sỹ nào cũng hợp. Thực tế, ngoài Phi Nhung, Mạnh Quỳnh từng kết hợp ăn ý với Như Quỳnh tạo nên “cơn sốt” cải lương “Nửa đời hương phấn” hay màn song ca “Nối lại tình xưa” đã đạt 56 triệu lượt xem trên YouTube. Bí quyết của anh thật giản dị: “Tôi luôn nhường nhịn bạn diễn”.
Tuy nhiên, anh thừa nhận hát với “người tình” quen thuộc như Phi Nhung, mọi thứ trở nên dễ dàng hơn: “Mạnh Quỳnh – Phi Nhung đã gắn bó mấy chục năm, hình ảnh chúng tôi đã ăn sâu vào tâm trí khán giả. Khi khán giả đã “đóng đinh” thì đừng cố nhổ “cái đinh” ấy ra.
Sau khi Phi Nhung ra đi, nhiều khán giả nói với tôi: Tụi em vẫn ủng hộ anh; Cô chú, bác… vẫn ủng hộ con, nhưng con chỉ nên hát một mình thôi, đừng hát với ai, sẽ tội cho Phi Nhung”. Mạnh Quỳnh chưa trả lời khán giả vì chính anh chưa có đáp án. Nếu chiều lòng khán giả, Mạnh Quỳnh sẽ hát một mình đến tàn sự nghiệp. Song anh sẽ ứng xử ra sao, khi những chương trình lớn cần anh song ca với nữ ca sỹ nào đó? Anh từ chối, nghĩa là kém chuyên nghiệp, chỉ trọng tình riêng: “Tôi tin ở trên cao Phi Nhung có thể có chút chạnh lòng nhưng cô ấy chấp nhận. Vì đó là nghệ thuật”, Mạnh Quỳnh nói.
“Có người ca sỹ khóc đời quạnh hiu”
Mạnh Quỳnh tên thật là Nguyễn Thanh Dũng. Giọng ca “Căn nhà màu tím” sinh năm 1971, tại Sài Gòn. Tuổi thơ của anh cũng từng phiêu dạt, sau đó lại trở về Sài Gòn sống cùng mẹ. Mạnh Quỳnh kể: Cha mẹ anh, tất cả người thân của anh không ai theo nghiệp cầm ca. Một mình anh một con đường: “Tôi thích hát từ bé. Ngày xưa, tôi bắt đầu nghiệp hát với cổ nhạc”.
Mạnh Quỳnh từng học cổ nhạc với nghệ sỹ tài danh Ngọc Ẩn, nhưng chỉ để thỏa mãn đam mê, không “mơ” trở thành nghệ sỹ cải lương nổi tiếng. Sự học không bao giờ thừa. Con đường ca hát của Mạnh Quỳnh sau này có dấu ấn đậm nét của những màn tân cổ, ca chung với Phi Nhung như “Căn nhà màu tím”, “Phận gái thuyền quyên”, “Lý chim quyên”, “Duyên nghèo”… Mạnh Quỳnh còn được biết đến là một nhạc sỹ.
Hiện nay, anh sở hữu gia tài trên dưới 100 ca khúc, chưa kể tân cổ giao duyên. Anh thường khai thác đề tài tình yêu quê hương, tình yêu lứa đôi, tình cảm vợ chồng… với ca từ giản dị, chân thật. Sáng tác của Mạnh Quỳnh dễ hát, dễ nhớ vì giàu chất thơ, gần gũi với cuộc sống đời thường: “Tôi sáng tác ca khúc bằng những trải nghiệm trong đời sống của mình”, nam danh ca nói.
Danh ca Mạnh Quỳnh |
Từng biểu diễn khắp nơi trên thế giới, giọng ca “Căn nhà màu tím” cho rằng khán giả trong nước và khán giả hải ngoại đều mở lòng với nghệ sỹ: “Khán giả ở đâu cũng vậy, cũng ái mộ, cũng tôn trọng nghệ sỹ, họ ôm nhẹ chúng tôi, họ tặng chúng tôi những tràng pháo tay, những bó hoa tươi thắm. Song khán giả trong nước có thể vồn vã hơn, do nghệ sỹ hải ngoại ít có điều kiện gặp gỡ khán giả trong nước hơn”.
Mạnh Quỳnh chưa từng được hát ở vùng sâu, vùng xa trên quê hương mình: “Tôi đã từng được đến những thành phố nhỏ ở Bắc, Trung, Nam song thú thật, tôi chưa được đặt chân đến những vùng sâu, vùng xa. Bởi mỗi lần về nước, tôi đều có rất ít thời gian nên quản lý chỉ nhận những “sô” tương đối thuận tiện cho việc di chuyển”, anh giải thích.
Liệu vấn đề cát-xê có chi phối quyết định nhận “sô” của Mạnh Quỳnh? Anh cười: “Dĩ nhiên, ca sỹ nào cũng cần cát- xê. Đây là điều thiết yếu cho cuộc sống. Nhưng cát-xê ra sao còn tùy tính chất của buổi diễn. Những buổi diễn nhỏ thì không thể đòi cát-xê cao. Ở Mỹ, khi tôi hát ở những sòng bài lớn, thì giá khác. Còn hát ở chùa, ở nhà thờ thì giảm giá. Có những “sô” hát xong tôi còn gửi lại một phần thù lao của mình cho đơn vị tổ chức, để họ làm những việc khác”.
Tôi hỏi Mạnh Quỳnh, câu hát “Có người ca sỹ khóc đời quạnh hiu” trong “Kiếp cầm ca” của Huỳnh Anh liệu có đúng với anh? Mạnh Quỳnh trầm tư: “Rất đúng, không chỉ với riêng Mạnh Quỳnh. Ai cũng có khoảng trống khi màn nhung khép lại”.
Anh kể, ở nước ngoài, thường ca sỹ chỉ đi hát vào dịp cuối tuần. Đây là khoảng thời gian dành cho gia đình: “Còn Quỳnh thì cuối tuần lại xách va li ra khỏi nhà. Thời độc thân thì tung tăng nhưng những năm 97, 98, 2000, Quỳnh đi “sô” rất nhiều. Đi “sô” ở châu Âu qua cả tết tây.
Thời điểm đó, ở châu Âu nghỉ lễ. Khi có gia đình, con cái lớn dần, chúng hỏi những câu xót xa: Sao gia đình ta không cùng đón tết, đón Noel? Ngày lễ Noel, tôi ra hát, khán giả đến xem. Sau đó, khán giả về nhà ăn uống với gia đình, ca sỹ lại lủi thủi về khách sạn, lau lớp trang điểm, ăn vội tô mì, bát cơm nhỏ… có gì ăn nấy. Mới thấy sự buồn tủi của kiếp cầm ca. Vì miếng cơm manh áo, vì sự yêu thương của khán giả nên chấp nhận cô đơn sau mỗi đêm diễn.
Chưa kể, có những ca nghệ sỹ lúc đương thời thì cuộc sống ổn định; Khi về già cuộc sống nghèo khổ, túng thiếu…”.
Nhưng Mạnh Quỳnh chưa bao giờ hối hận vì chọn kiếp cầm ca, bởi theo anh, làm nghề nào, muốn thành công, cũng đều phải trả giá, bằng mồ hôi, bằng nước mắt, bằng những khoảng trống không thể lấp đầy.
Chọn an phận
Mạnh Quỳnh nói, anh chưa từng thấy ca sỹ nào ở hải ngoại trở nên giàu có bằng nghề hát. Bản thân anh cũng vậy “Tôi không nghèo nhưng cũng không giàu. Thu nhập vừa đủ để chi phí mọi thứ, lo con cái, mua nhà cửa”.
Nhưng ngay cả khi nghỉ hát, cuộc sống của nam danh ca bây giờ cũng không vất vả, về mặt tài chính. Anh bật mí: “Nhờ nỗ lực của hai vợ chồng, nên hiện tại chúng tôi không bận lòng về kinh tế. Ở Mỹ, nếu đóng thuế đầy đủ thì khi về già sẽ được hưởng trợ cấp tốt từ Chính phủ. Một người sống giản dị như Mạnh Quỳnh lại không cần quá nhiều thứ. Tôi sống nhẹ nhàng để đầu óc thoải mái. Tôi thấy cuộc sống của mình như thế là quá tốt, không đòi hỏi những gì lớn lao”.
“Người tình” trên sân khấu của Phi Nhung nhận mình là người an phận. Anh kể, khi Phi Nhung còn sống, hai người thỉnh thoảng cũng “va” nhau vì sự đối lập của tính cách. Mạnh Quỳnh thường khuyên Phi Nhung ráng giữ gìn sức khỏe, vì thấy bạn diễn làm việc quá sức, không có thời gian nghỉ ngơi.
Giọng ca “Bông điên điển” hay rủ Mạnh Quỳnh cùng thực hiện dự án này, dự án kia. Mạnh Quỳnh gật đầu đồng ý song cứ tà tà, không vội, Phi Nhung lại khác: “Cô ấy muốn làm gì thì làm bằng được. Một người tài tử lại gặp một người cháy như lửa, đôi lúc “đụng” nhau, nhưng lại vui vẻ làm hòa ngay”.
Ký ức của Mạnh Quỳnh bây giờ vẫn chứa đầy kỷ niệm về Phi Nhung. Tôi hỏi có bao giờ vợ của nam danh ca ghen với Phi Nhung? Anh đáp: “Trong lòng cô ấy thì tôi không rõ. Nhưng trong mắt tôi, mẹ của tụi nhỏ chịu đựng, thấu hiểu công việc của chồng, không để ý chuyện chồng hát ở đâu, hát gì, với ai? Bản thân tôi cũng cứ hát xong là về, không ở lại chơi la cà. Thí dụ, thứ 7 đi hát, chủ nhật đã đặt chuyến máy bay sớm nhất quay về nhà. Mẹ tụi nhỏ tin tưởng tôi vì thế”.
Tạm biệt đất mẹ từ cuối năm 1992, đến nay Mạnh Quỳnh đã sống ở Mỹ gần 30 năm. Nam ca sỹ sử dụng tiếng Anh trôi chảy “chỉ thua mấy đứa nhỏ trong nhà”, anh so sánh vui.
Nhưng chất Việt trong Mạnh Quỳnh vẫn thấm đẫm, không chỉ trong lời ca, tiếng hát trên sân khấu: “Tôi không cần cố gắng để giữ gìn chất Việt, bởi nó đã ăn vào máu thịt rồi. Trong ẩm thực, tôi thích ăn đồ Việt Nam, đồ Tây cũng dùng được nhưng không phải khẩu vị của mình”. Mạnh Quỳnh vẫn thường tự đi chợ, tự vào bếp nấu nướng. Anh không nề hà việc nhà. Khi đã về nhà, Mạnh Quỳnh đặt hào quang ngoài cánh cửa.
Mạnh Quỳnh có hai con trai: “Hai đứa đều biết ba nổi tiếng vì chúng xem trên YouTube nhưng không cho đó là niềm tự hào. Chỉ xem như sự bình thường thôi. Tôi cũng luôn dạy các con, hướng các con tới cuộc sống bình thường, không đòi hỏi cao xa. Tôi muốn các con cố gắng học hành, có công việc tốt, tương lai tốt. Ai cũng phải đi làm, sống bằng đôi tay và khối óc của chính mình, đừng nương tựa vào người khác”.
Nam danh ca cũng thú nhận, hai con không đam mê âm nhạc, không nói được tiếng Việt: “Tôi cũng không trách hai con, vì tôi hay đi xa, mọi việc đều dồn vào vợ, đến trường các con lại học tiếng Anh. Ở nhà, tôi nói tiếng Việt, hai đứa không hiểu nên tôi cũng nói tiếng Anh với chúng. Nhưng tôi tin, sau này chúng sẽ tìm hiểu thêm về tiếng Việt, không ai quên được cội nguồn”.
Anh cũng đủ nhạy cảm để chấp nhận một sự thật: Sau này, lớp trẻ ở hải ngoại sẽ không nghe nhạc Việt Nam nữa, cứ nhìn những đứa con của anh thì biết. “Khoảng 5, 10 năm nữa thôi, điều ấy sẽ đến. Bản thân tôi cũng bắt đầu sống chậm lại, dành thời gian nhiều hơn cho gia đình”.