Phim ‘Đất rừng phương Nam’ có trình độ biên kịch kém cỏi

“Đất rừng phương Nam” 2023 (ĐRPN 2023) được thông báo chính thức ra rạp 20/10 nhưng thật ra đã chiếu trước đó khoảng 1 tuần, và đã tạo ra những tranh cãi nảy lửa trên mạng xã hội xoay quanh bê bối mang tên “Thiên Địa Hội” và “Nghĩa Hoà Đoàn”. Qua vụ việc này, chúng ta thấy được những gì?

Cần hiểu rõ hơn về phái sinh

ĐRPN 2023 được quảng bá từ lúc mới bấm máy là phim “phiêu lưu, chính kịch” và “Dựa trên tiểu thuyết “Đất rừng phương Nam” của nhà văn Đoàn Giỏi”. Nhưng khi được trình chiếu, người xem không còn thấy nhiều Đoàn Giỏi trong đó nữa.

Bối cảnh phim được dời về thập niên 20-30 của thế kỷ trước thay vì xảy ra sau 1945 như Đoàn Giỏi đã viết. Chính vì thế, sự xuất hiện của lực lượng chống Pháp chủ đạo là Việt Minh đã không còn, hình ảnh các chiến sĩ cách mạng, những chú bộ đội cũng không còn. Thay vào đó, ĐRPN 2023 sử dụng Nghĩa Hòa Đoàn và Thiên Địa Hội.

Thanh minh cho những thay đổi này, đạo diễn Nguyễn Quang Dũng nói rằng phim lấy cảm hứng từ cả tiểu thuyết ĐRPN lẫn phim truyền hình “Đất Phương Nam” (1997, sau đây viết tắt là ĐPN) của đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn. Bản thân ông Nguyễn Vinh Sơn cũng tham gia trong đoàn phim ĐRPN 2023 ở vai trò cố vấn. Và bênh vực cho phim, rất nhiều người lấy cái cớ phim là phái sinh của tác phẩm văn học nên có quyền hư cấu.

Thực tế, phái sinh là một quyền nhưng nó phải được sự chấp thuận từ tác giả bản gốc, hoặc người nắm giữ quyền sở hữu quyền tác giả bản gốc. Trong công ước Berne mà Việt Nam cũng là một thành viên, quyền bảo vệ sự toàn vẹn tác phẩm là quyền tối thượng của tác giả. Và ở trong trường hợp ĐRPN 2023, nó không thể được gọi là bản phái sinh của tiểu thuyết của nhà văn Đoàn Giỏi đơn thuần. Việc sử dụng các nhân vật có trong ĐPN 1997 như ông Tiều, bác Ba Phi… cùng cốt truyện gần giống ĐPN 1997 và cũng dời bối cảnh về thập niên 20-30 cho thấy ĐRPN 2023 là phái sinh của phái sinh. Nôm na, nó phái sinh từ ĐPN 1997, một bản phái sinh của tiểu thuyết ĐRPN.

Từ câu chuyện này, các nhà làm phim ở Việt Nam nên thận trọng hơn khi chuyển thể tác phẩm từ loại hình khác (văn học, kịch nói). Xưa tới nay, chuyện nhà văn không hài lòng với việc tác phẩm của mình bị “khác đi” khi lên phim vẫn diễn ra khá thường xuyên, thậm chí còn có cả những tranh cãi xảy ra. Và điều đáng tiếc ở ĐRPN 2023 là nó sử dụng hình ảnh Nghĩa Hoà Đoàn từ chính sự sai lệch trong bản ĐPN 1997 của Nguyễn Vinh Sơn.

See also  2 điều buồn trên mạng xã hội sau khi ca sĩ Phi Nhung qua đời, động thái của Mạnh Quỳnh gây chạnh lòng!

Ở bản đó, phân cảnh ông Tiều bị bắt cho thấy ông là người của Thiên Địa Hội, thuộc băng “kèo vàng” (Nghĩa Hòa Đoàn) trong khi thực tế lịch sử Nghĩa Hòa Đoàn ở Nam Bộ không chống Pháp. Từ dữ liệu này, biên kịch Trần Khánh Hoàng mới đưa vai trò của Nghĩa Hòa Đoàn khá đậm nét trong ĐRPN 2023. Như vậy, nếu cái lỗi nhỏ của thế hệ đi trước mà không được chỉnh sửa, nó hoàn toàn có thể tạo cơ sở để thế hệ đi sau tin vào thông tin sai lệch và biến cái sai trở thành đương nhiên.

Trình độ biên kịch kém cỏi

Giải thích cho lỗi sai của mình, biên kịch Trần Khánh Hoàng và đạo diễn Nguyễn Quang Dũng bao biện rằng họ muốn xây dựng một ĐRPN 2023 với nhiều tổ chức yêu nước khác nhau, có cả những con người tự phát. Họ nói trong phim không chỉ có Nghĩa Hòa Đoàn mà còn các nhóm yêu nước khác. Song, đây là một bao biện rất yếu khi không có một tổ chức kháng Pháp nào được gọi tên cụ thể. Việc không tìm ra được tên gọi cho các tổ chức kháng Pháp cụ thể có thể đến từ sự kém cỏi của khâu biên kịch do không tìm hiểu đủ đầy các thông tin lịch sử.

Một ví dụ điển hình, giai đoạn 1923-1926 là giai đoạn tổ chức của ông Nguyễn An Ninh hoạt động rất mạnh mẽ ở Nam Bộ, với cái tên Thanh Niên cao vọng đảng. Đây là một phong trào đấu tranh chống Pháp nhiều người biết tới chứ không thuộc diện sử liệu bí mật hay khó kiếm gì. Tuy nhiên, sự dễ dãi của biên kịch, của đạo diễn đã khiến những tổ chức kiểu như Thanh Niên cao vọng đảng không được xuất hiện trong phim. Trong khi đó, cảnh Nghĩa Hòa Đoàn lại quá nhiều, thậm chí nhân vật chính (bé An) còn được cho “cắt máu ăn thề” để thành thành viên của Nghĩa Hòa Đoàn. Do đó, những bức xúc đã dấy lên trong dư luận và khiến nhà sản xuất buộc phải chỉnh sửa những chi tiết thiếu tinh tế chính trị như vậy.

See also  Mẹ con Hồng Phượng bị Hồng Loan tống ra khỏi nhà, phải dọn đồ đi gấp, netizen vỗ tay ăn mừng

Nghề biên kịch phim hiện nay vẫn được xem là nghề “hái ra tiền” với mức thù lao từ 250 triệu cho tới 1 tỷ cho một bộ phim, tùy theo mức độ ăn khách của phim trước đó mà biên kịch tham gia. Trần Khánh Hoàng vốn dĩ là một biên kịch mát tay với thành công của “Em chưa mười tám” và một số phim thị trường, phim hài. Lựa chọn Trần Khánh Hoàng cho ĐRPN 2023 là một sai lầm và từ sai lầm đó, một “phiêu lưu, chính kịch” đã trở thành một phim giải trí với nhiều yếu tố hài.

Nhận xét về biên kịch hiện nay, thông qua trường hợp ĐRPN 2023, chính một nhà sản xuất phim uy tín và cũng từng có những phim rất ăn khách đã thừa nhận “Lẽ ra, phim này nên để một nhà văn, một người sâu sắc hơn làm biên kịch. Nói chung, biên kịch trẻ hiện nay nhân sinh quan kém, viết thì hời hợt và chỉ được cái đòi giá trên trời”.

Lựa chọn diễn viên, đạo diễn cho một bộ phim đã khó, lựa chọn biên kịch còn khó hơn. Nhà đầu tư lẽ ra nên định hướng từ đầu tác phẩm mình muốn làm hướng tới mục đích gì, từ đó lựa chọn biên kịch phù hợp. Nhưng tiếc rằng họ chỉ nhìn và thành công bằng doanh số làm bảo chứng nên do đó, với họ, những người từng góp mặt ở phim trăm tỷ thì làm phim gì cũng hay(?)

Tranh luận và thẩm định

Có hai điểm đáng nói nhất ở bê bối ĐRPN 2023 này chính là tranh luận và thẩm định. Cả hai đều bộc lộ cái đáng quan ngại trong văn hóa và nhất thiết cần phải được chấn chỉnh lại để tránh những hệ luỵ tương tự về sau.

Thứ nhất, về tranh luận, trước rất nhiều phê bình về chi tiết Nghĩa Hòa Đoàn từ phía khán giả, có một số kha khá những nhân vật truyền thông (nhà văn, nhà báo, KOLs…) đã quy chụp những người phê phán bằng giọng điệu vu cho đối phương là “chỉ điểm” và “giết chết tự do sáng tạo”. Lối quy chụp này vô cùng nguy hiểm, đặc biệt khi dựng lên các “thuyết âm mưu” rằng những người phê phán được chỉ đạo từ một thế lực nhà nước nào đó.

Thứ hai, về thẩm định, phải thừa nhận lỗi lớn nhất nằm ở Hội đồng duyệt phim quốc gia. Nếu như trong quá khứ, việc duyệt phim vô cùng khắt khe với hai khâu là duyệt kịch bản trước khi nhận giấy phép làm phim và duyệt phim trước khi phát hành thì hiện nay, cơ quan quản lý văn hóa đã tinh gọn lại chỉ còn khâu duyệt phim trước khi phát hành mà thôi. Nhưng khi đã tinh gọn lại để tạo thuận lợi cho nhà sản xuất, nhất thiết cần tinh tường hơn để tránh những hậu quả không mong muốn.

See also  Hôn nhân 17 năm kín tiếng của ca sĩ Mạnh Quỳnh

Ở trường hợp của ĐRPN 2023, không hiểu Hội đồng duyệt phim quốc gia nghĩ gì khi “cấp giấy thông hành” cho một phim ngay từ đầu đã cho thấy ngoài cái tên Nghĩa Hòa Đoàn, Thiên Địa Hội ra, không còn một cái tên của một tổ chức cách mạng chống thực dân nào khác? Thêm vào đó, trang phục không thuần Việt được sử dụng trong phim cũng là điểm đáng nhắc tới. Nếu như Hội đồng duyệt phim quốc gia nghiêm cẩn hơn, chặt chẽ hơn, chắc chắn ĐRPN 2023 sẽ không ra rạp với nhiều tranh cãi gay gắt đến thế.

Và đỉnh điểm của vấn đề nằm ở chỗ Bộ VHTTDL đã buộc phải chỉ đạo Hội đồng duyệt phim quốc gia (HĐDPQG) thẩm định lại. Việc phải thẩm định lại là minh chứng rõ ràng nhất cho thất bại của lần thẩm định đầu tiên. Trách nhiệm đầu tiên do đó cũng nên quy về cho từng thành viên HĐDPQG với câu hỏi về thái độ, năng lực và thậm chí cả là tính vô tư.

Thị trường điện ảnh hiện nay ở Việt Nam là một thị trường trăm triệu dân và do đó, khi giao phó chất lượng đầu ra sản phẩm cho cả trăm triệu con người phụ thuộc vào chục con người trong một hội đồng là điều nên cân nhắc. Những con người ấy chịu trách nhiệm rất lớn đối với văn hóa đại chúng, đối với an ninh ở mặt trận tư tưởng. Chỉ cần một sơ suất của họ thôi, những hệ luỵ là khó có thể đo lường.

Việc hơn chục ngày dư luận tạo sóng tranh cãi rất gay gắt về ĐRPN 2023 chính là bài học cho trách nhiệm trước các hệ luỵ khó lường ấy. Thiết nghĩ, Bộ VHTTDL rất cần sự thay đổi về nhân sự cũng như cung cách duyệt phim hiện nay, với hội đồng duyệt đa dạng hơn, uy tín hơn và thậm chí có thể được đặt ở cả hai miền nhằm thuận tiện cho các nhà sản xuất, vốn dĩ tập trung chủ yếu ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.

Subscribe To Our Newsletter!
Nếu bạn có tin tức xã hội, giải trí, thể thao, tâm sự mới nhất có thể gửi về email [email protected] để nhận tiền nhuận bút. Ban Quản Trị không chịu bất kỳ trách nhiệm nào được gửi bởi bạn, chúng tôi chỉ biên tập nội dung và xuất bản chúng đến cho đọc giả.

Related Posts

CEO Bệnh viện thẩm mỹ JT Angel tố lấy cắp thông tin cá nhân, gọi điện đe dọa khách hàng với ngôn từ “chợ búa”

Mạng xã hội mới đây xôn xao thông tin Nhã Lê – CEO Bệnh viện thẩm mỹ JT Angel bị khách hàng gửi đơn tố cáo đến…

Thiêng Ngân mang món quà ý nghĩa của Phi Nhung đến trung thu chùa Pháp Lạc

Mới đây, Thiêng Ngân đã tổ chức một loạt các chương trình trung thu đầy ý nghĩa cùng Chùa Pháp Lạc. Trong những chương trình này, họ…

Khám phá Top đặc sản Quảng Ngãi nổi tiếng phải thử và mua về làm quà 2023

Hãy khám phá danh sách top đặc sản Quảng Ngãi nổi tiếng cùng chúng tôi. Cùng tìm hiểu về những món ngon độc đáo và lý thú,…

Mạnh Quỳnh, các con nuôi Phi Nhung làm đêm nhạc tưởng nhớ giọng ca “Bông điên điển”

Ngoài sự có mặt của Mạnh Quỳnh, các con nuôi của Phi Nhung là Tuyết Nhung, Quỳnh Trang, Thiêng Ngân và hai học trò là Ngọc Phụng và…

Mạnh Quỳnh viết bài vọng cổ tiễn Phi Nhung

Mạnh Quỳnh sáng tác bài vọng cổ "Khóc bạn như mưa" bày tỏ nhớ thương và mong Phi Nhung an nghỉ. Mạnh Quỳnh sáng tác và thể…

Tiết lộ bí mật của cố ca sĩ Phi Nhung và Thủy Tiên

Quản lý truyền thông, cũng là người thân thiết của Phi Nhưng đã tiết lộ bí mật của cố ca sĩ với Thủy Tiên. Quản lý còn…